Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Nguyên nhân ung thư vú nam

Nam giới cũng có thể mắc ung thư vú như ở phụ nữ, mặc dù tỷ lệ này là rất nhỏ. Nguyên nhân gây bệnh vẫn còn là điều chưa được giải thích rõ ràng, tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm thấy một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nam giới.
Sau đây là một số yếu tố có liên quan tới ung thư vú ở nam giới:
Tuổi tác
Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong sự phát triển của bệnh ung thư vú ở nam giới. Cụ thể nguy cơ mắc ung thư vú tăng dần theo tuổi tác. Độ tuổi trung bình được chẩn đoán bị ung thư vú ở đàn ông là 68.
Tiền sử gia đình mắc ung thư vú
Nguy cơ ung thư vú ở nam giới tăng lên nếu các thành viên trong gia đình đã từng bị ung thư vú.
3. Đột biến gen di truyền
Những người đàn ông mang gen đột biến BRCA2 có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú. Gen đột biến BRCA1 cũng có thể gây ra bệnh ung thư vú ở nam giới nhưng có nguy cơ thấp hơn.
Các gen đột biến CHEK2 và PTEN cũng có thể liên quan tới một số trường hợp bị ung thư vú ở nam giới.
Hội chứng Klinefelter
Hội chứng Klinefelter là một rối loạn di truyền do người nam có thừa một nhiễm sắc thể giới tính X. Đây là rối loạn nhiễm sắc thể giới tính thường gặp nhất, với tỷ lệ 1/500. Đa phần, các bệnh nhân mắc chứng Klinefelter vẫn phát triển bình thường khi còn nhỏ. Đến tuổi dậy thì, người ta mới có những dấu hiệu bất thường thì việc chữa trị đã tương đối muộn. Với bệnh này, bệnh nhân có lông trên cơ thể thưa thớt, ngực có thể nở nang, thậm chí không thua gì ngực phái nữ. Trong khi đó, dương vật, tinh hoàn nhỏ hơn bình thường. Người cao, ốm, tay, chân dài. Hậu quả của hội chứng này là nam giới sẽ bị vô sinh và giảm ham muốn tình dục.
So với những người đàn ông khác, họ có nồng độ androgen (nội tiết tố nam) thấp hơn nhưng lại có nồng độ estrogen (nội tiết tố nữ) cao hơn. Vì lý do này, họ thường phát triển bệnh gynecomastia (vú to ở nam giới).
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị chứng Klinefelter có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với người bình thường.
Tiếp xúc với bức xạ
Nam giới đã từng xạ trị vùng ngực (như điều trị ung thư hạch hay còn gọi là lymphoma), có nhiều nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú.
Mắc bệnh gan
Những người bị bệnh gan nặng như xơ gan, có nồng độ androgen thấp và nồng độ estrogen cao hơn bình thường. Họ có nguy cơ cao mắc bệnh gymnecomastia (vú to ở nam) và cũng có nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú.
Điều trị estrogen
Thuốc có chứa estrogen từng được sử dụng trong liệu pháp điều trị nội tiết tố cho nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp điều trị này có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú ở nam.
Có lo ngại cho rằng những người chuyển giới, sử dụng liều cao estrogen để duy trì nội tiết tố nữ trong cơ thể, cũng có nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên vẫn chưa có một nghiên cứu nào về nguy cơ ung thư vú ở những người chuyển giới, do đó vấn đề này cần phải được nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ thêm.
Béo phì
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ ung thư vú ở nữ giới tăng lên khi họ bị béo phì, thừa cân sau mãn kinh. Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú ở nam giới. Nguyên nhân là do các tế bào chất béo trong cơ thể chuyển hóa nội tiết tố nam (androgen) thành nội tiết tố nữ (estrogen). Điều này có nghĩa là những người đàn ông béo phì có nồng độ estrogen trong cơ thể rất cao, thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú.
Do đó luyện tập thể dục thường xuyên có thể giảm nguy cơ ung thư vú cũng như các loại bệnh khác.
Ngành nghề, công việc
Một số báo cáo cho thấy nguy cơ ung thư vú gia tăng ở những người đàn ông làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao như nhà máy thép. Tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn, từ đó tác động tới nồng độ hormone.
Đàn ông tiếp xúc nhiều với xăng dầu cũng có nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú. Tuy nhiên cần có thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ nhận định này.
Ung thư vú không phân biệt giới tính, có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Do đó nam giới không nên chủ quan, khi phát hiện thấy những bất thường ở vú cần tới ngay các cơ sở chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.